An ninh quốc phòng

Chỉ được sử dụng pháo hoa loại không gây ra tiếng nổ

16/02/2024 01:40
Mặc dù pháo đã bị cấm từ lâu nhưng vào dịp Tết, dặc biệt là đêm giao thừa khi về quê tôi vẫn thấy tiếng pháo nổ râm ran. Thậm chí, càng về sau này bà con đốt pháo, trong đó có pháo hoa nổ thành tiếng ngày càng nhiều.

Xin hỏi các anh chị, loại pháo nào người dân được sử dụng và có phải là được đốt pháo hoa nổ nhưng cần chứng chỉ tham gia huấn luyện, đào tạo hay không?

Trả lời

Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.

Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ, “Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;

Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m”.

Pháo hoa, theo điểm b của khoản này, “là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”.

Người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa (không được sử dụng pháp nổ hay pháo hoa nổ).

Cụ thể, Điều 17 của Nghị định này quy định:

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa”.

Tóm lại, trong các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm…, người dân được phép sử dụng pháo hoa. Đối với loại pháo này, người sử dụng không cần phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn. Tuy nhiên, cũng cần sử dụng đúng cách để phòng tránh rủi ro của bản thân và những người xung quanh như không để bắn thẳng vào người, làm vỡ đồ vật…

Thêm một lưu ý nữa, người dân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Bạn cần kiểm tra nơi bán có được thực hiện hoạt động này hay không.

Một trong các nhóm hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP là “Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này”.

Sử dụng pháo hoa nổ trái quy định là vi phạm điều cấm của pháp luật nêu trên và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.

Cụ thể, thực hiện một trong các hành vi “sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép”, người vi phạm bị phạt tiền 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Bên cạnh đó, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại điểm a khoản 7 của Điều này. Đó là: “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này”.

Về câu hỏi thứ hai của bạn, khoản 1 Điều 18 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24/7/2023 của Chính phủ quy định đối tượng phải huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, quản lý, bảo quản và sử dụng pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ, bao gồm:

“a) Người quản lý;

b) Người lao động trực tiếp sản xuất pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ;

c) Người được giao quản lý kho pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ;

d) Chỉ huy bắn pháo hoa nổ;

đ) Người sử dụng pháo hoa nổ;

e) Người bảo vệ, bốc dỡ tại kho pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ; người áp tải, điều khiển phương tiện vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ”.