Tin tức khác

Thay đổi hình thức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý

16/02/2024 07:10
TGPL

Khi muốn thay đổi nội dung của Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý nộp trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý

Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BTP ngày 29/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý và Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Theo đó, sửa đổi việc thay đổi nội dung Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý như sau: “Khi muốn thay đổi nội dung của Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý nộp trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị thay đổi nội dung Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT- BTP (Mẫu TP-TGPL-04); bản chính Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý đã được cấp. Trong trường hợp nộp bằng hình thức trực tuyến thì tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý gửi bản chính Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý đã được cấp qua đường bưu điện”. Trước đây, theo khoản 1 Điều 20 Thông tư số 08/2017/TT-BTP thì chỉ có hình thức nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.

Sửa đổi nội dung liên quan đến chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý. Cụ thể trường hợp chấm dứt theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 2 Điều 16 của Luật Trợ giúp pháp lý (Tự chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý sau khi đã thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp nơi đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật) thì tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý nộp trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Hồ sơ bao gồm: Văn bản thông báo về việc chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý; bản chính Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý đã được cấp. Trong trường hợp nộp bằng hình thức trực tuyến thì tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý gửi bản chính Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý đã được cấp qua đường bưu điện”. Trước đây, theo khoản 1 Điều 22 Thông tư số 08/2017/TT-BTP thì chỉ có hình thức nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.

Thông tư cũng ban hành 06 mẫu đơn mới trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Cụ thể:
- Đơn đề nghị làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý (thay thế Mẫu TP-TGPL-10 ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT-BTP);
- Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý (thay thế Mẫu TP-TGPL-11 ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT-BTP);
- Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý (thay thế Mẫu số 02-TP-TGPL ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT-BTP);
- Đơn khiếu nại (thay thế Mẫu số 03-TP-TGPL ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT-BTP);
- Đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý (thay thế Mẫu số 04-TP-TGPL ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT-BTP);
- Đơn rút yêu cầu trợ giúp pháp lý (thay thế Mẫu số 05-TP-TGPL ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT-BTP).

Thông tư cũng quy định khi hoàn thành việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý khai thác thông tin về giới tính, địa chỉ thường trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không yêu cầu công dân cung cấp các thông tin này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.

(Nguồn: https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/)